Thời chiến tranh, Hoàng Đình Hải (SN 1952), trú tại thôn Hòa Sơn, xã Cao Thượng, huyện Tân Yên (Bắc Giang) đã tham gia quân ngũ và bị thương, được hưởng chế độ thương binh. Vậy mà trong thời bình, trở về quê hương, chỉ vì lòng tham, đối tượng này đã trở thành kẻ lừa đảo. Tại phiên xét xử mới đây, Hải đã phải nhận bản án thích đáng của pháp luật.

Làm giả bệnh án
Thực hiện quy định của liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) - Bộ Y tế về khám bệnh, dị tật liên quan đến phơi nhiễm chất độc hóa học đối với người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ, đầu năm 2014, Sở LĐTBXH Bắc Giang có hướng dẫn trình tự, thủ tục lập hồ sơ, khám giám định cho các đối tượng này.
Sau khi triển khai, Sở tiếp nhận 214 bản tóm tắt bệnh án của các trường hợp đề nghị được hưởng chế độ. Quá trình thẩm định thấy có nhiều hồ sơ nghi vấn cần phải xác minh nên đã đề nghị các bệnh viện trong và ngoài tỉnh cung cấp thông tin về việc khám chữa bệnh của những trường hợp này. Sau khi xác minh, cơ quan chức năng đã phát hiện có 116 trường hợp không nhập viện điều trị, không có hồ sơ bệnh án.
Đại diện lãnh đạo Công an tỉnh cho biết, kết quả điều tra đã xác định đối tượng Hoàng Đình Hải đã làm số hồ sơ “ma” mà Sở LĐTBXH nghi vấn. Y dùng thủ đoạn làm giả bản tóm tắt bệnh án gồm giấy ra viện và sổ theo dõi điều trị đái tháo đường để lừa đảo chiếm đoạt gần 1,8 tỷ đồng của hàng trăm người.
Theo kết quả điều tra, tháng 5-2015, Hoàng Đình Hải đến Bệnh viện Quân y 110 để khám bệnh và điều trị. Bệnh nhân được cấp bản tóm tắt bệnh án bệnh “đái tháo đường tuýp II” để làm hồ sơ hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học. Bệnh viện Quân y 110 đã cấp cho Hải thông báo với nội dung "theo dõi đái tháo đường".
Hải biết rõ nếu dùng bản tóm tắt bệnh án này để làm hồ sơ thì sẽ không đủ điều kiện để được hưởng chế độ nên đã sử dụng bản tóm tắt bệnh án giả có nội dung "đái tháo đường tuýp II" đưa vào hồ sơ xin hưởng chế độ. Sở LĐTBXH đã quyết định cho Hải được hưởng chế độ từ tháng 8-2015 với mức trợ cấp là 1.673.000 đồng/tháng. Bị cáo hưởng chế độ này đến hết tháng 3-2017 với tổng số tiền hơn 33 triệu đồng thì bị phát hiện.
Đưa cả con dâu vào vòng lao lý
Để thực hiện hành vi phạm tội, Hải đã thuê Mạc Văn Viên (SN 1975) trú tại thôn Đanh, xã Tân Trung (Tân Yên) in khoảng 300 bản tóm tắt bệnh án, 300 giấy ra viện và trả cho Viên 1.850.000 đồng tiền công. Viên đã thuê Đỗ Thị Lý (SN 1986) trú tại thôn Nam Cường, xã Nhã Nam (Tân Yên) in phun màu 300 bản tóm tắt bệnh án đó cùng 300 giấy ra viện và trả cho Lý 80.000 đồng tiền công.
Đáng buồn hơn là người con dâu cũng bị y đưa vào vòng lao lý vì phạm tội “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Hơn 200 bản tóm tắt bệnh án và giấy ra viện giả, Hải mang về nhà tự viết. Do viết không xuể nên y đã nhiều lần sai con dâu là Bùi Thị Yến (SN 1985) viết nội dung vào các bản tóm tắt bệnh án theo sự hướng dẫn và các thông tin nội dung do y cung cấp. Mặc dù bản thân Yến biết rõ hành vi đó là sai trái nhưng vẫn làm theo chỉ đạo của bố chồng.
Trong khi các bị cáo Yến, Viên, Lý luôn có thái độ ăn năn hối cải, nhận ra tội lỗi của mình để hưởng khoan hồng của pháp luật thì bị cáo Hải ngay từ quá trình điều tra cho đến ngày xét xử luôn khai báo không thành khẩn, quanh co chối tội.
Căn cứ vào quá trình tranh tụng tại phiên tòa, lời khai của bị cáo, các nhân chứng cùng chứng cứ, tài liệu của cơ quan điều tra và nhân thân của các bị cáo, vừa qua, TAND tỉnh đã tuyên phạt các bị cáo: Hoàng Đình Hải 12 năm 6 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; Bùi Thị Yến 8 tháng tù về tội "Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức"; Mạc Văn Viên và Đỗ Thị Lý mỗi bị cáo 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Chí Dũng